☎ TỔNG ĐÀI: 028 7300 2227 – HOTLINE 24/7: 0913.179.227
Du lịch Gia Lai
Gia lai là một trong 3 thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên, nằm sau Đà Lạt và Buôn Mê Thuột. Gia lai một thành phố mang cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, vẻ đẹp thiên nhiên tựa như một nàng thiếu nữ sơn cước sừng sững giữa đại ngàn phố núi. Mảnh đất này khiến ai đi về cũng phải nhớ mãi, vậy chúng chứa ẩn những điều đặt biệt gì nhỉ, cùng Okela tìm hiểu nhé.
1. Giới thiệu đôi nét về du lịch Gia Lai
Gia Lai là thành phố lớn thứ 3 ở Tây Nguyên sau Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Không kém cạnh hai thành phố kia, nếu như Buôn Ma thuột khoác trên mình nét đẹp nồng nàn hương sắc, Đà Lạt mang vẻ đẹp mộng mơ lãng mạn, thì Gia Lai lại toát lên vẻ hoang dã, phóng khoáng. Mỗi khi nhắc đến Gia Lai, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố mang vẻ đẹp bao la, hùng vĩ.
Nguồn gốc của tên Gia Lai là từ chữ “Jarai”, xuất phát từ tên của người dân tộc bản địa sinh sống ở nơi đây. Những nét văn hóa truyền thống vẫn được người dân giữ cho đến tận hôm nay. Nổi bật nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, cùng với đó là một kho tàng sử thi đồ sộ.
2. Thời điểm đẹp nhất để du lịch Gia Lai
Khoảng thời gian từ tháng 11 - tháng 4: Đây là thời điểm rơi vào mùa khô ở Gia Lai, đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất để tổ chức du lịch.
Vào thời điểm tháng 11 - tháng 12: Gia Lai ngập tràn sắc vàng của lúa, cùng với các loài hoa nở rộ như: Hoa muồng, hoa dã quỳ.
Vào thời điểm tháng 2 - tháng 4: Gia Lai lại khoác lên mình một màu áo mới, với sắc trắng bạt ngàn của hoa cà phê.
Thời điểm cuối năm sẽ diễn ra các lễ hội truyền thống của vùng núi cao Tây Nguyên, với các lễ hội như: Lễ hội đâm trâu, liên hoan cồng chiêng, lễ mừng lúa mới,...Nếu bạn muốn hòa mình vào những dịp lễ hội thì đây chính là thời gian lý tưởng nhất.
Khoảng thời gian từ tháng 5 - tháng 10: Gia Lai bắt đầu bước vào mùa mưa, khoảng thời gian này không thích hợp để du lịch đến Gia Lai. Vào khoảng thời gian từ tháng 7 - tháng 9 sẽ là thời điểm mưa nhiều nhất ở Gia Lai.
3. Phương tiện di chuyển khi du lịch Gia Lai
Di chuyển bằng máy bay: Đây là phương tiện di chuyển tốt nhất dù là di chuyển từ Hà Nội hay TP. HCM, lộ trình thích hợp nhất là bạn sẽ xuất phát từ sân bay Hà Nội hay TP. HCM và đáp ở sân bay Pleiku. Có rất nhiều giờ bay khác nhau trong ngày cho bạn dễ dàng lựa chọn phù hợp với lịch trình của mình.
Di chuyển bằng xe khách: Hạ tầng giao thông hiện tại ở Gia Lai vô cùng thuận lợi cho việc di chuyển khi đi du lịch bằng xe khách, với mức giá xe khách chỉ dao động khoảng từ 250.000 VNĐ/ chiều. Phương tiện này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với máy bay. Bạn có thể mất khoảng thời gian di chuyển khoảng từ 20 tiếng nếu điểm xuất phát của bạn là từ Hà Nội, còn ở TP. HCM chỉ mất khoảng 8 tiếng di chuyển.
4. Những điểm tham quan đẹp ở Gia Lai
Hồ thủy điện Yaly: Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ hai nước ta, nhà máy thủy điện lớn nhất hiện tại là nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Công trình đồ sộ này gắn liền với thác nước Yaly, thác nước với độ cao lên đến 42 m và là một trong những thác nước lớn nhất Việt Nam. Dòng thác từ trên cao đổ xuống tựa như dòng nước mắt của nàng H’li trong câu chuyện huyền thoại đầy bi thương khiến người ta nhớ đến mỗi khi ngắm nhìn.
Khi bạn đứng từ trên đập, phóng tầm mắt bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh núi Ngọc Lĩnh với màu xanh bạt ngàn của các loại cây cối. Tại đây ngoài thác thủy điện Yaly bạn còn có thể tham quan con đường ngầm xuyên qua lòng núi dài 600 m.
Biển Hồ T’Nưng: Đây là một hồ nước ngọt tọa lạc tại phía Bắc của tỉnh Gia Lai, và cũng là một trong những hồ nước đẹp nhất Tây Nguyên. Hồ được ví như đôi mắt của Pleiku bởi mặt hồ mang một màu xanh biếc vô cùng đẹp cùng làn nước trong vắt.
Hồ T’Nưng được hình thành bởi 3 miệng núi lửa cổ đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm trước thông với nhau. Hồ rất sâu nên khó để có thể xác định độ sâu chính xác của hồ là bao nhiêu, đây cũng là lý do người ta thường gọi là hồ không đáy. Diện tích của hồ lên đến 220ha.
Núi lửa Chư Đăng Ya: Đây cũng là một trong những ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Để ghé thăm ngọn núi này thì khoảng thời gian lý tưởng nhất là khi nơi đây được bao phủ bởi những cánh đồng khoai lang và khoai môn trải dài một màu xanh mướt. Vào khoảng từ tháng 10 - tháng 12, nơi đây sẽ khoác lên mình một màu vàng ươm của hoa dã quỳ. Theo như những người đi đã từng đi kể lại rằng nơi đây là thiên đường của những bông hoa dã quỳ rực rỡ.
Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh: Nếu bạn là một người đam mê với thiên nhiên thì đây là điểm đến lý tưởng bạn nhất định phải ghé qua. Từ năm 2003 Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh được đưa vào danh sách một trong những công viên di sản ASEAN. Trên đoạn đường trekking bạn sẽ bắt gặp những mỹ cảnh thiên nhiên diệu kỳ cùng hệ thực vật vô cùng đa dạng. Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh Kon Ka Kinh, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dãy Trường Sơn vô cùng hùng vĩ. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất của Pleiku, với độ cao khoảng 1.748m so với mặt nước biển.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: Nơi đây được ví như viên ngọc quý giá nhất của vùng đất Tây Nguyên. Hệ sinh thái nơi đây đa dạng nhất cả nước. Gồm khu bảo tồn với 1,6 triệu ha rừng nguyên sinh với đa dạng các loại động vật quý hiếm. Đây còn là nơi có lên đến 12 thác nước hùng vĩ nhất với độ cao khoảng 10 m.
5. Đặc sản Gia Lai
Cơm lam: Mỗi khi nhắc đến vùng đất Gia Lai, người ta sẽ nghĩ ngay đến món cơm được nấu trong ống tre với hương vị vô cùng đặc biệt, hạt gạo được lựa chọn vô cùng kỹ, gạo phải được trồng từ ruộng bậc thang tại Chư Sê. Hạt gạo được nấu lên sẽ rất dẻo và thơm.
Phở khô: Đã kể đến đặc sản của tỉnh Gia Lai thì không thể bỏ qua món phở khô, sợi phở khô được làm từ bột gạo khi ăn sẽ cảm thấy dai dai tương tự như hủ tiếu với phần nước dùng với hương vị ngọt thanh. Phần nước dùng được ninh từ xương trong thời gian rất lâu để có được hương vị ngọt và thơm tự nhiên. Ngoài ra thịt gà, gân bò, thịt bò cũng là một phần không thể thiếu trong phần nước dùng.
Món phở sẽ được ăn kèm với thịt gà xé, bánh phở, thịt bằm kèm thêm phía trên là một ít rau và quế. Linh hồn của món ăn thì không thể thiếu nước sốt gia truyền của vùng này, có thể dùng thêm tương đen hoặc tương ớt tùy theo khẩu vị của từng người.
Lẩu lá rau rừng: Đây là một món quà mà thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên đã ban tặng cho vùng đất này, mỗi loại lá rừng đều có những tác dụng khác nhau nhưng lại chung một điểm đó là rất tốt cho sức khỏe. Khi thưởng thức nên dùng nem thính cuốn chung với lá rừng sau đó chấm cùng nước chấm mắm thịt.
Heo sọc dưa: Đây là loại heo có nguồn gốc là heo rừng nhưng được thuần hóa bởi người đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai, và họ thả ra để heo tự do sinh sống nên thịt rất chắc và săn. Heo được chọn để làm món ăn với cân nặng từ 5 - 7 kg, phù hợp cho nhóm đông hoặc gia đình khoảng 10 người. Heo được người dân chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Heo hấp, heo chiên mắm, heo giả cầy nấu mẻ, xương nấu măng,...
Gỏi kiến vàng đu đủ: Đây là loại kiến rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai). Vào mùa khô là thời điểm lý tưởng để săn kiến vàng, bởi vào lúc này kiến sẽ rất béo, hương vị đầu tiên khi thưởng thức kiến sẽ có vị chua thanh, nhưng dần về phía cuống họng sẽ cảm nhận được hương vị ngọt nhẹ. Kiến vàng được người dân nơi miền núi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món ăn đặc trưng nhất phải kể đến đó là gỏi kiến vàng đu đủ.
Bàu nhỏ đu đủ ra, cho vào cối ớt và lá é giã cùng với đu đủ, trộn cùng với muối kiến vàng. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận đầy đủ hương vị chan chát của đu đủ, vị chua thanh của kiến vàng hòa quyện cùng vị thơm của lá é và vị cay nồng của ớt sẽ khiến bạn nhớ nhung món ăn này đấy.
6. Những lưu ý khi du lịch Gia Lai
Vì Gia Lai là một tỉnh thuộc vùng miền núi nên khi du lịch đến đây bạn nên chuẩn bị những trang phục gọn nhẹ, cùng một đôi giày thể thao để tiện cho việc di chuyển trong một ngày dài.
Vì nơi đây có địa hình đồi núi nên khi di chuyển bằng xe bạn nên chú ý an toàn, kiểm tra kỹ các thiết bị trong xe trước khi di chuyển.
Nếu đã đến với vùng đất Tây Nguyên thì không thể bỏ qua việc tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán nơi đây nhé.
Tại đây có rất nhiều nương rẫy, nếu bạn muốn vào tham quan thì phải được sự cho phép của người dân nơi đây, không được tự ý vào khi chưa được sự đồng ý.
